AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

CÔNG AN QUẬN HAI BÀ TRƯNG TUYÊN TRUYỀN VỀ CẢNH BÁO CÁC HÌNH THỨC LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN PHỔ BIẾN TRÊN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY
Publish date 10/07/2024 | 08:41  | Lượt xem: 313

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang lo lắng trong dư luận quần chúng nhân dân. Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có xu hướng phát triển mạnh, tăng cả về số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại lớn, với nhiều phương thức thủ đoạn mới tinh vi, linh hoạt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng và trao đổi thông tin với các đơn vị chức năng liên quan, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đã và đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Trong đó, Công an quận Hai Bà Trưng nhận định được 10 phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến thường được các đối tượng sử dụng để khiến người dân “sập bẫy” lừa đảo trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, khuyến cáo người dân nhận biết và chủ động phòng ngừa như sau:

Hình thức thứ nhất: Dụ dỗ bị hại làm việc online để hưởng hoa hồng

- Đối tượng lập ra các app kiếm tiền online mời bị hại tham gia bán hàng trên các app như Shopee, Tiktok,… để hưởng % hoa hồng từ các đơn hàng.

- Với những đơn hàng đầu tiên, đối tượng yêu cầu bị hại nạp tiền để chuyển đơn hàng, sau đó sẽ chuyển lại ngay tiền hoa hồng (từ 10-20%) để tạo lòng tin từ bị hại. Những đơn hàng sau đối tượng sẽ yêu cầu bị hại nạp nhiều hơn để hưởng thêm tiền hoa hồng.

- Một thời gian sau các đối tượng đánh sập hệ thống và chiếm đoạt tiền.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Người dân không nên tham gia vào các app kiếm tiền online mà trong đó yêu cầu phải nạp tiền trước mới được hưởng lãi, bởi thực tế không có công việc nào “việc nhẹ lương cao”, có thể dễ dàng kiếm tiền mà không bỏ công sức, chất xám như quảng cáo của các đối tượng.

Hình thức thứ 2. Bán hàng lừa đảo

- Các đối tượng giả dạng nhân viên bán hàng chào mời mua các loại sản phẩm có giá trị cao (Điện thoại, máy tính bảng,…) và yêu cầu đặt cọc trước một nửa số tiền, hôm sau sẽ giao hàng. Sau đó chiếm đoạt số tiền trên, không còn liên lạc được nữa.

- Đối tượng quảng bá sản phẩm trên mạng, thu hút nhiều người theo dõi, nhiều lượt like, bình luận... nhưng khi chuyển hàng không đảm bảo chất lượng.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Khi trao đổi, mua bán trực tuyến, qua các trang mạng xã hội phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, hạn chế mua các đồ vật có giá trị lớn.

- Người dân có thể dùng phương thức kiểm tra hàng xong mới trả tiền để đảm bảo được quyền lợi của bản thân.

Hình thứ thứ 3: Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Cán bộ UBND các cấp

- Đối tượng thông báo bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, rồi nối máy đến đối tượng khác giả danh người của cơ quan tư pháp để khai thác thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để kiểm tra nguồn gốc rồi sẽ trả lại hoặc đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bắt tạm giam.

Hoặc có thể các đối tượng gọi điện, liên hệ với người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước (cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, cảnh sát khu vực...) yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin CCCD, “sổ đỏ”; đăng ký, bổ sung tài khoản định danh điện tử... và hướng dẫn thực hiện qua hình thức sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến (online). Sau đó, đối tượng gửi cho người dân các đường link hoặc tệp tin (file) để cài đặt các ứng dụng có giao diện, hình ảnh giống với các ứng dụng, website thật của cơ quan nhà nước; nhưng bản chất những ứng dụng, website giả mạo này có chức năng hoặc chứa mã độc có khả năng thu thập thông tin, chiếm quyền sử dụng thiết bị của người dùng.

Sau khi cài đặt ứng dụng hoặc truy cập theo đường link website các đối tượng gửi, các đối tượng sẽ theo dõi và chiếm quyền sử dụng thiết bị. Lúc này, các đối tượng đã chiếm được quyền điều khiển thiết bị hoặc yêu cầu người dân thực hiện giao dịch với số tiền nhỏ (để ủng hộ, nộp phí xác minh, hoàn thiện thủ tục đăng ký...) với mục đích thu thập thông tin, mật khẩu đăng nhập, mã OTP của tài khoản ngân hàng khi người dân đăng nhập để chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng. Sau khi chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của người bị hại, đối tượng sẽ chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.

* Công an quận Hai Bà Trưng khuyến cáo:

  •  Công an quận Hai Bà Trưng đã triển khai các nhóm Zalo khu dân cư do trực tiếp Ban chỉ huy Công an phường và Cảnh sát khu vực phụ trách quản lý. Khi có số điện thoại lạ liên lạc, thông báo có liên quan đến tội phạm và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu cài đặt các app phải truy cập website lạ, thì người dân tuyệt đối không được thực hiện và nhanh chóng gọi điện cho Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn hoặc Trực ban Công an phường để xác minh hoặc kịp thời phối hợp xử lý.
  • Không cung cấp thông tin cá nhân cho người không quen biết và yêu cầu được làm việc trực tiếp với người liên hệ công việc.

Hình thức thứ 4. Giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt

- Đối tượng lập tài khoản mạng xã hội, hoặc hack tài khoản mạng xã hội của người khác và nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc hỏi vay tiền, hoặc nhờ chuyển tiền. Khi người thân gọi lại bằng video thì hình ảnh nhòa và nhiễu, sau đó bị tắt ngay do mất sóng.

- Đối tượng lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để sao chép giọng nói và hình ảnh, nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch,...để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Với hình thức này có đặc điểm là tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng của người đó hoặc giọng nói của người đó và cách xưng hô quen thuộc (do đã được nghiên cứu từ trước). Đối tượng tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấu cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chính quyền bắt đang cần tiền để giải quyết, đang khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau,...

Gọi điện trực tiếp cho người thân để xác minh trước khi chuyển tiền (gọi số sim, không gọi qua các ứng dụng mạng)

Hình thức thứ 5. Kết bạn, làm quen trên mạng xã hội

- Bước 1: Đối tượng người nước ngoài (hoặc giả làm người nước ngoài) sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram... kết bạn làm quen với người bị hại, dùng nhiều thời gian trò chuyện để tạo sự tin tưởng.

- Bước 2: Sau 1 thời gian, đối tượng thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị lớn cho bị hại.

- Bước 3: ĐT người Việt Nam giả danh nhân liền sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu người bị hại nộp tiền để được nhận quà, tạo nhiều lý do để bị hại nộp tiền nhiều lần.

- Bước 4: Đối tượng cắt đứt liên lạc với bị hại khi hết nguồn tiền hoặc bị nghi ngờ.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO: Người dân có thể quen biết, kết bạn với người nước ngoài qua mạng xã hội nhưng không nên gửi, chuyển tiền để đóng các loại phí vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với bất kỳ lí do gì.

Hình thức thứ 6. Nhắn tin thông báo trúng thưởng

- Đối tượng sử dụng số điện thoại lạ để gọi điện hoặc gửi tin nhắn cho bị hại thông báo trúng thưởng tài sản hoặc tiền mặt có giá trị lớn.

- Yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng hoặc hướng dẫn truy cập vào các đường link gửi kèm để khai báo thông tin nhận thưởng.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Người dân không thực hiện chuyển tiền hay nạp tiền qua thẻ điện thoại để nhận thường.

- Không truy cập vào các đường link được gắn kèm trong tin nhắn lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.

- Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác khi sử dụng tài khoản ngân hàng.

Hình thức thứ 7. Kinh doanh đa cấp qua các sản giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối... hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số

- Đối tượng lập ra các website tài chính, ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế rồi lôi kéo người tham gia.

- Cam kết người chơi có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, nếu kêu gọi được thêm người sẽ có hoa hồng.

- Sau 1 thời gian sàn thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được.

- Khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Người dân không tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo, tiền ngoại hối khi mình không hiểu rõ, không có kiến thức về loại hình này.

Hình thức thứ 8. Vay tiền qua app, website 

- Bước 1: Các đối tượng mạo danh ngân hàng, nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tài thông tin hỗ trợ vay tiền online, giải ngân nhanh trên mạng xã hội với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản.

- Bước 2: Đối tượng hướng dẫn người dân truy cập vào website hoặc ứng dụng điện thoại để làm thủ tục.

- Bước 3: Thông báo người dân cung cấp sai thông tin nên hệ thống báo lỗi không thể giải ngân.

- Bước 4: Đề nghị bị hại nộp các khoản phí để làm lại thủ tục vay rồi chiếm đoạt số tiền.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Người dân không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

- Nếu có nhu cầu vay tiền thì liên hệ và đến trực tiếp ngân hàng, các tổ chức tín dụng gần nhất để được hỗ trợ.

- Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác khi sử dụng tài khoản ngân hàng.

Hình thức thứ 9. Giả mạo hòm thư điện tử

- Đối tượng lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện giao dịch bằng thư điện tử.

- Mạo danh đối tác để đề nghị tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Người dân nên kiểm tra trực tiếp, xác nhận với đối tác trước khi thực hiện việc chuyển tiền

Hình thức thứ 10. Kiếm tiền online qua app

- Đối tượng lập ra các app kiếm tiền online (như: Pchome Shopping Mall, Tailoc888…) mời tham gia trò chơi, giật đơn hàng.

- Người chơi nạp tiền lần 1 và lần 2 (mỗi lần từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng) sẽ được chuyển lại tài khoản liên kết và lãi ngay 20%. Từ lần 3 trở đi sẽ được báo trúng đơn hàng từ 20 triệu trở lên và chuyển tài khoản lần nào mất tiền lần đó. Hoặc người chơi đăng ký tài khoản trên trang web, nạp tiền theo 9 mức từ 180.000₫ đến 99.000.000đ.

- Sau đó mua các gói đầu tư từ 180.000₫ đến 540.000đ để hưởng lãi suất từ 20 – 55% mỗi ngày.

- Một thời gian sau các đối tượng đánh sập hệ thống và chiếm đoạt tiền.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO người dân không được tham gia vào các app kiếm tiền online.

Dự báo trong thời gian tới, lợi dụng việc nghỉ hè của học sinh, sinh viên và nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, trong đó có đối tượng sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản. Do đó, Công an quận Hai Bà Trưng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tuyên truyền cho người thân các phường thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các loại đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên thì kịp thời thông báo cho Công an phường sở tại hoặc trực ban Công an quận (SĐT: 0249.743.439) để lực lượng Công an kịp thời phong tỏa tài khoản tránh mất mát tài sản, đồng thời tổ chức điều tra, xử lý kịp thời.

Công an quận Hai Bà Trưng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và công dân trên địa bàn đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình.

Xin trân trọng cảm ơn./.