TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

Bài tuyên truyền phòng chống bệnh cúm gia cầm
Publish date 16/10/2024 | 09:25  | Lượt xem: 80

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus tuýp A gây ra (bao gồm cả gia cầm, chim hoang dã) và động vật có vú đều có thể mắc bệnh.

          Một số chủng virus cúm A gây bệnh cho đàn gia cầm như: Cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N9…., bệnh rất dễ lây lan và phát tán, khi đàn gia cầm mắc bệnh thì  diễn biến của bệnh tiến triển nhanh, tỉ lệ chết  cao, hiện nay bệnh chưa có đặc trị mà chủ yếu phòng bệnh bằng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu. Một số chủng virus cúm gia cầm có thể lây sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh; qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm trên đàn gia cầm và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người thì việc phòng và ngăn chặn dịch bệnh trong chăn nuôi phải được đặt lên hàng đầu, mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

         1. Khi chọn giống gia cầm để nuôi cần chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không mắc bệnh. Lựa chọn con giống ở các cơ sở đảm bảo chất lượng, có giấy kiểm dịch và nên cách ly 1 tuần trước khi thả vào đàn cũ.

        2. Thực hiện đồng bộ từ khâu chăm sóc nuôi dưỡng đến công tác thú y để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Tiên quyết là phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

        3. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ. Chuồng nuôi nhốt gia cầm cần đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, khô thoáng, tránh các tác động mạnh từ bên ngoài. Không nuôi nhốt gia cầm chung với chuồng gia súc và phải cách xa khu vực nhà ở. Trước khu vực chuồng nuôi cần có khay hoặc hố sát trùng.

         4. Thường xuyên theo dõi, quan sát đàn gia cầm để phát hiện những dấu hiệu khác thường, những con bị bệnh cần cách ly điều trị để không lây lan cho cả đàn.

       Nếu phát hiện gia cầm có dấu hiệu bệnh, chết nghi do cúm gia cầm cần báo cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử trí kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng (Người dân không mua, bán gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi). Tiêu hủy những gia cầm bị bệnh nếu nghi ngờ mắc cúm gia cầm. Tổng vệ sinh, sát trùng khu vực xuất hiện mầm bệnh theo hướng dẫn từ cơ quan thú y. Rửa tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn sau khi chăm sóc gia cầm hoặc tiếp xúc với nguồn lây.

         * Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, đề nghị mọi người dân thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh sau:

          - Không ăn tiết canh gia cầm, gia súc hoặc động vật hoang dại.

        - Không giết mổ, ăn thịt, gia cầm bệnh, chết. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

        - Không bán chạy đàn gia cầm khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết trong đàn. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

           - Không mua gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn trứng, thịt gia cầm khi chưa nấu chín hoàn toàn.

- Nuôi gia cầm xa nơi ở và vệ sinh chuồng trại 1 lần/ tuần với vôi bột hoặc phun dung dịch Cloramin B. Không nên tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mặt, ngoáy  mũi.

- Khi mắc bệnh cảm cúm, nếu thấy đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị bệnh sớm.

- Những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, đi du lịch những vùng có dịch cúm gia cầm về phải quan tâm chú ý khi có hiện tượng sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị bệnh sớm. Những người có tiếp xúc với người bệnh này phải tự nguyện khai báo để được theo dõi và thực hiện phòng chống dịch./.